Xây dựng mô hình trồng và sản xuất thử nghiệm sản phẩm chất lượng cao từ cây Xuyên tâm liên phục vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng và phát triển dược liệu tỉnh Thừa Thiên Huế
Xuyên tâm liên, loại dược liệu sau một thời gian bị lãng quên vì sự phát triển ồ ạt của các loại thuốc kháng sinh tân dược, nay đang là loại dược liệu quý, được chú trọng phát triển trở lại vì giá trị phòng và chữa bệnh của nó, trong thời gian gần đây, Xuyên tâm liên trở thành loại dược liệu vô cùng quen thuộc với người dân trong cuộc hỗ trợ cuộc chiến chống đại dịch Covid-19.
TS. Hồ Thắng – Giám đốc Sở KH&CN, Chủ tịch Hội đồng phát biểu tại Hội nghị
TS. Hồ Thắng – Giám đốc Sở KH&CN, Chủ tịch Hội đồng phát biểu tại Hội nghị

Ngày 25/5/2022, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Hội nghị Giao trực tiếp tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện dự án KHCN cấp tỉnh “Xây dựng mô hình trồng và sản xuất thử nghiệm sản phẩm chất lượng cao từ cây Xuyên tâm liên (Andrographis paniculata) phục vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng và phát triển dược liệu tỉnh Thừa Thiên Huế” do Viện Nghiên cứu Khoa học Miền Trung Chủ trì, TS. Lê Cảnh Việt Cường làm Chủ nhiệm.

Cây xuyên tâm liên đã được Bộ Y tế đưa vào danh sách phát triển thành vùng dược liệu theo quyết định số 1976/QĐ-TTg về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Hiện nay, Việt Nam chưa có vùng nguyên liệu lớn trồng cây Xuyên tâm liên, 02 tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An được xem là 02 vùng trồng nguyên liệu Xuyên tâm liên chủ yếu. Không chỉ riêng Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới hiện nay đang đưa dược liệu Xuyên tâm liên để phòng và điều trị các bệnh liên quan đến hô hấp, tiêu hóa, kháng viêm, trị các bệnh ngoài da, chữa bệnh liên quan đến gan, thanh nhiệt, giải độc...

TS. Lê Cảnh Việt Cường trình bày thuyết minh tại Hội nghị

Trình bày thuyết minh tại Hội nghị, TS. Lê Cảnh Việt Cường cho biết, xuất phát từ tình hình thực tiễn về nhu cầu dược liệu, trên cơ sở giá trị khoa học của cây Xuyên tâm liên, quan điểm quy hoạch phát triển dược liệu bằng việc sử dụng có hiệu quả mọi tiềm năng về điều kiện tự nhiên và xã hội để phát triển các vùng trồng dược liệu, gắn với bảo tồn và khai thác hợp lý nguồn dược liệu tự nhiên; bảo vệ đa dạng sinh học và môi trường sinh thái tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Theo đó, Viện Nghiên cứu Khoa học Miền Trung được giao trực tiếp nhiệm vụ KHCN thực hiện dự án “Xây dựng mô hình trồng và sản xuất thử nghiệm sản phẩm chất lượng cao từ cây Xuyên tâm liên (Andrographis paniculata) phục vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng và phát triển dược liệu tỉnh Thừa Thiên Huế” theo Quyết định số 3343/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế. Đây là dự án có tính cấp thiết cao đáp ứng nhu cầu cung cấp thảo dược trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp và phù hợp với chiến lược phát triển của địa phương, quốc gia và xu hướng sử dụng dược liệu từ thiên nhiên trên thế giới. 

Theo TS. Lê Cảnh Việt Cường, mục tiêu của Dự án nhằm hoàn thiện được quy trình nhân giống, trồng, chăm sóc và thu hái cây dược liệu Xuyên tâm liên phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở tỉnh Thừa Thiên Huế. Sản xuất thử nghiệm sản phẩm chất lượng cao từ cây Xuyên tâm liên phục vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng và phát triển dược liệu tỉnh Thừa Thiên Huế.

Toàn cảnh Hội nghị

Sản phẩm của Dự án, gồm: Quy trình nhân giống cây dược liệu Xuyên tâm liên; Quy trình trồng, chăm sóc và thu hái cây dược liệu Xuyên tâm liên; Mô hình trồng, chăm sóc và thu hái cây Xuyên tâm liên, quy mô 2.000m2/mô hình; Quy trình chiết xuất cao định chuẩn Xuyên tâm liên có hàm lượng các hoạt chất diterpene lactone được làm giàu cao hơn so với nguyên liệu Xuyên tâm liên thô theo tiêu chuẩn Dược điển Việt Nam V; Bộ tiêu chuẩn cơ sở của nguyên liệu Xuyên tâm liên; Bộ tiêu chuẩn cơ sở cao Xuyên tâm liên định chuẩn; Bộ tiêu chuẩn cơ sở sản phẩm viên nang; Viên nang có tác dụng trừ ho, viêm phôi, viêm họng, viêm ruột, amidan, viêm gan virus và mụn nhọt; Cao Xuyên tâm liên định chuẩn có hàm lượng các hoạt chất diterpene lactone được làm giàu cao hơn so với nguyên liệu Xuyên tâm liên thô theo tiêu chuẩn Dược điển Việt Nam V; Báo cáo tổng kết và báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện của dự án; Bài báo khoa học đăng trên tạp chí chuyên ngành; Chuyên mục truyền thông phát trên Đài truyền hình địa phương.

TS. Lê Cảnh Việt Cường chia sẻ, phương án triển khai sau khi Dự án kết thúc, Công ty TNHH Nông Lâm Nghiệp Eco-Seed và Tuệ tĩnh đường Liên Hoa là các đơn vị dự kiến được chuyển giao cac quy trình nhân giống, chăm sóc và thu hái cây dược liệu Xuyên tâm liên và quy trình chiết xuất cao định chuẩn Xuyên tâm liên để nhân rộng mô hình phát triển dược liệu cũng như bào chế các sản phẩm chất lượng cao phục vụ công tác khám chữa bệnh cho cộng đồng. Quy trình nhân giống cây dược liệu Xuyên tâm liên có thể được triển khai cho các cá nhân, đơn vị sản xuất giống trên địa bàn tỉnh. Quy trình trồng, chăm sóc và thu hái cây dược liệu Xuyên tâm liên có thể được triển khai cho các cá nhân, đơn vị trồng dược liệu trên địa bàn tỉnh sau, và Quy trình chiết xuất cao định chuẩn Xuyên tâm liên có hàm lượng các hoạt chất diterpene lactone được làm giàu cao hơn so với nguyên liệu xuyên tâm liên thô theo tiêu chuẩn Dược điển Việt Nam V có thể được chuyển giao cho các cơ sở khám chữa bệnh Đông Y, các đơn vị sản xuất dược phẩm trên địa bàn sau khi được sự cho phép của Sở KH&CN tỉnh Thừa Thiên Huế.

GS.TS. Nguyễn Thị Hoài trao đổi tại Hội nghị

Sau khi nghe Chủ nhiệm Dự án trình bày thuyết minh, các thành viên Hội đồng KH&CN tiến hành trao đổi, phản biện và đánh giá cao đề tài, cũng như đề nghị Hội đồng thông qua. Các ý kiến của thành viên Hội đồng cho rằng, Dự án đã làm rõ được xuất xứ công nghệ và nêu được tính cấp thiết phải thực hiện dự án ở Thừa Thiên Huế là hoàn toàn phù hợp về điều kiện tự nhiên (Thời tiết khắc nghiệt hơn so với Đà Lạt và Tây Nguyên, cũng là thuận lợi để trồng cây dược liệu làm tăng hàm lượng các hợp chất thứ cấp kết hợp sử dụng biện pháp canh tác hợp lý, nhất là chú trọng nước tưới) cũng như điều kiện kinh tế-xã hội theo chủ trương của UBND tỉnh. Dự án sẽ giúp hoàn thiện quy trình công nghệ trồng và chế biên cây Xuyên tâm liên để mở ra cơ hội sản xuất và kinh doanh, bởi đây là cây dược liệu ngắn ngày và có khả năng triển khai phát triển trồng nhân rộng cho người dân để tiến hành trồng và chế biến tại chỗ ở địa phương.

Bên cạnh đó, các thành viên Hội đồng cũng đề nghị cần bổ sung quy trình công nghệ liên quan đến chiết xuất, tối ưu hóa quy trình chiết xuất. Đây là nội dung lớn trong Dự án nhưng chưa thấy đề cập đến quy trình công nghệ này và thiết kế quy mô phù hợp với quy mô dự án sản xuất thử nghiệm. Cần làm rõ hàm lượng hoạt chất diterpene lactone trong cao chiết, trong sản phẩm là bao nhiêu? Làm rõ sử dụng phương pháp nào để định lượng diterpene lactone trong cao chiết, trong quá trình tối ưu hóa. Cần lý giải vì sao lại lựa chọn 4 thời điểm trồng, nghiên cứu sử dụng cây con hay là hạt để trồng? Thời vụ trồng khuyến cáo là tháng Giêng và tháng Bảy thì các nghiên cứu về thời vụ vào tháng Ba và tháng Tư có hợp lý hay không? Cần phối hợp, đồng hành với doanh nghiệp trong quá trình thực hiện Dự án và xây dựng phương án thương mại hóa cho sản phẩm. Kết quả, Hội đồng thống nhất Đơn vị chủ trì đủ điều kiện thực hiện với số điểm 83,22.

 Phát biểu kết luận tại Hội nghị, TS. Hồ Thắng - Giám đốc Sở KH&CN đề nghị Đơn vị chủ trì tiếp thu toàn diện các ý kiến của thành viên Hội đồng để hoàn thiện thuyết minh và thống nhất giữ tên Dự án KH&CN. Phần tổng quan bổ sung quy trình trồng, chăm sóc, thu hái và tình hình sản xuất Xuyên tâm liên tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Ngoài ra, cần bổ sung, làm rõ xuất xứ công nghệ của các quy trình áp dụng; bổ sung phương pháp định lượng sản phẩm, làm rõ cơ sở lựa chọn các vùng trồng Xuyên tâm liên và hiệu chỉnh lại phần dự toán kinh phí cho phù hợp.

Quốc Cường
 In trang]