Đó là nội dung chương trình Hội nghị tập huấn do Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức vào sáng ngày 08/11/2022.
Chiến lược phát triển hệ thống Sở hữu trí tuệ (SHTT) đến năm 2030 đã đề ra 03 quan điểm chỉ đạo lớn: (1) Phát triển hệ thống SHTT đồng bộ, hiệu quả ở tất cả các khâu sáng tạo, xác lập, khai thác và bảo vệ quyền SHTT, tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, đưa SHTT trở thành công cụ quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. (2) Chính sách SHTT là một bộ phận không thể tách rời trong chiến lược, chính sách phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của quốc gia và các ngành, lĩnh vực. (3) Hoạt động SHTT có sự tham gia tích cực của tất cả các chủ thể trong xã hội, trong đó viện nghiên cứu, trường đại học, các cá nhân hoạt động sáng tạo, đặc biệt là các doanh nghiệp đóng vai trò chủ đạo trong việc tạo ra và khai thác tài sản trí tuệ.
Bà Trần Thị Thuỳ Yên - Phó Giám đốc Sở KH&CN phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu tại lớp tập huấn, bà Trần Thị Thuỳ Yên - Phó Giám đốc Sở KH&CN mong muốn, thông qua buổi tập huấn sẽ giúp các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp cận được các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; hình thành những tư duy tổng quan về hệ thống pháp luật SHTT, về cách quản trị tài sản trí tuệ trong doanh nghiệp. Qua đó, giúp cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp nâng cao nhận thức, tiếp cận, khai thác tốt các chính sách hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của tỉnh, góp phần hình thành những thương hiệu mạnh, nâng cao giá trị thương hiệu, sức cạnh tranh của các sản phẩm hàng hoá và dịch vụ. Từng bước, thúc đẩy mạnh các sản phẩm chủ lực của tỉnh Thừa Thiên Huế vươn xa trên thị trường.
Ông Hồ Thắng - Giám đốc Sở KH&CN trình bày Chuyên đề tại Hội nghị
Tại Hội nghị, ông Hồ Thắng - Giám đốc Sở KH&CN đã trình bày Chuyên đề về Chiến lược phát triển tài sản trí tuệ gắn với phát triển các sản phẩm chủ lực của địa phương. Theo đó, ông Hồ Thắng nhấn mạnh: “Để phát triển thương hiệu các sản phẩm chủ lực của tỉnh Thừa Thiên Huế, doanh nghiệp cần tập trung từ khâu đầu vào đến quá trình sản xuất, đóng gói và tiêu thụ sản phẩm. Mỗi mắc xích trong chuỗi giá trị các sản phẩm chủ lực cần có sự tham gia của các chủ thể sản xuất, nhà phân phối, người tiêu dùng và cả cơ quan quản lý nhà nước. Tăng cường áp dụng KHCN để cải tiến quy trình công nghệ sản xuất, ưu tiên áp dụng các sáng chế, giải pháp hữu ích để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm chủ lực trên địa bàn. Không ngừng nâng cao năng lực, tiếp cận thị trường, phát triển kênh phân phối; tích cực, chủ động tham gia các khoá đào tạo huấn luyện về năng lực quản trị thương hiệu, kỹ năng kết nối kinh doanh với hệ thống phân phối trong và ngoài nước. Đồng thời, ông Hồ Thắng nhấn mạnh đến vấn đề doanh nghiệp phải không ngừng bồi tụ giá trị, ngoài những giá trị về mặt chất lượng sản phẩm, hình ảnh quảng bá, mẫu mã sản phẩm, doanh nghiệp cần chú trọng đến bồi tụ giá trị về mặt cảm nhận, những giá trị trải nghiệm của khách hàng trong xu hướng hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay”.
Liên quan đến Chuyên đề Bảo vệ và thực thi quyền sở hữu công nghiệp cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, Luật sư Đặng Thị Ngọc Hạnh – Giám đốc Công ty TNHH Luật Ngọc Hạnh đã khái quát tổng quan về khái niệm quản trị tài sản trí tuệ, cách thức để bảo vệ thương hiệu đồng thời đã phân tích, đánh giá, gợi mở ra nhiều góc nhìn mới thông qua những vụ án xâm phạm về quyền SHTT trên thực tế.
Cũng tại Hội nghị, ông Phan Ngân Sơn - Chuyên gia SHTT đã hướng dẫn trình tự thủ tục đăng ký, khai thác, áp dụng vào thực tiễn các sáng chế, giải pháp hữu ích cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Trong đó, ông Phan Ngân Sơn đã đề cập đến thực trạng số lượng cấp đơn, văn bằng bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích trên cả nước vẫn còn khá kiêm tốn. Nguyên nhân chính là do nhu cầu xác lập quyền SHTT chưa thực sự cấp bách; phần thưởng cho nhà sáng tạo chưa xứng đáng, lợi ích đăng ký sáng chế chưa cao; các tổ chức, cá nhân vững chưa nắm rõ các quy trình, thủ tục đăng ký bảo hộ sáng chế. Bên cạnh đó hoạt động quản lý, phát triển, thương mại hóa tài sản trí tuệ còn yếu đã khiến số lượng đơn, văn bằng sáng chế tại Việt Nam vẫn còn thấp so với trên thế giới.
Ông Phan Ngân Sơn – Chuyên gia SHTT trình bày Chuyên đề tại Hội nghị
Tại phần thảo luận, dưới sự chủ trì của các chuyên gia về SHTT, nhiều yêu cầu thắc mắc đã được giải đáp, qua đó giúp các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp nhận thức và ý thức đầy đủ hơn về quyền SHTT và bảo vệ tài sản trí tuệ, từng bước góp phần nâng cao nhận thức cho người dân, hình thành văn hoá SHTT trong cộng đồng.